Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh

Sự hài lòng của người bệnh là trách nhiệm của chúng tôi !

GỌI CẤP CỨU: 0203-3696-466

Chúng tôi luôn thấu hiểu bệnh nhân và luôn cố gắng đáp ứng yêu cầu của bệnh nhân.

3 năm đầu đời – Thời điểm ‘vàng’ can thiệp giúp trẻ tự kỷ sớm hòa nhập

Ba năm đầu đời diễn ra sự phát triển mạnh mẽ về cả thể chất, các chức năng thần kinh, giác quan, tâm lý… của trẻ nhỏ, vì vậy, việc phát hiện và can thiệp sớm trong 3 năm đầu đời được xem là thời điểm vàng đối với quá trình chăm sóc, can thiệp cho trẻ tự kỷ.

Trong giai đoạn ba năm đầu đời, do bộ não có tính linh hoạt, nơron thần kinh liên kết lỏng, đây là thời điểm hệ thần kinh chưa hoàn thiện nên dễ kết nối, nếu được can thiệp trong giai đoạn hệ thần kinh sửa chữa, kết quả can thiệp sẽ đạt hiệu quả cao. Trường hợp trẻ trên 5 tuổi, hệ thần kinh hoàn thiện gần như 95%, hiệu quả can thiệp cho trẻ tự kỷ sẽ thấp hơn.

Thạc sĩ tâm lý Bùi Thị Ngọc Linh, Đơn nguyên Tâm bệnh – Phục hồi chức năng, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết: Nhiều bố mẹ phát hiện con bị chậm nói hoặc gọi không thấy con quay lại thì chỉ nghĩ là con bị giảm chú ý, chậm nói đơn thuần. Nhưng khi đưa con đến Bệnh viện Sản Nhi khám, được bác sĩ, đánh giá viên kiểm tra thì mới phát hiện ngoài việc con không nói là do một rối loạn khác khiến cho đứa trẻ không thể nói được.

Để can thiệp hiệu quả cho trẻ cần có sự tham gia của cha mẹ và các nhà chuyên môn như bác sĩ, nhà tâm lý, các nhà giáo dục đặc biệt.

Nguyên nhân trẻ tự kỷ được chẩn đoán chậm trễ là do các biểu hiện của chứng tự kỷ rất đa dạng, thay đổi theo lứa tuổi và khác nhau ở từng trẻ. Các dấu hiệu nhận biết rối loạn tự kỷ dễ nhầm với các bệnh lý khác như chậm nói, khó đọc, tăng động giảm chú ý… Các chuyên gia y tế chỉ có thể đánh giá dựa vào bảng câu hỏi và quan sát hành vi bên ngoài của trẻ.

Thạc sĩ Linh cho biết thêm: Hiện không ít phụ huynh khi bác sĩ chẩn đoán con bị tự kỷ vẫn không tin đó là sự thật. Còn có trường hợp, cha mẹ đưa con đến điều trị nhưng khi về nhà không có thời gian, sao nhãng với con do vậy kết quả điều trị không đạt hiệu quả. Nhiều phụ huynh do tâm lý mặc cảm, tự ti, hoặc phát hiện trẻ mắc bệnh sớm song không tìm được nguồn hướng dẫn điều trị và khi trẻ trên 10 tuổi đã rơi vào trạng thái tăng động, gào thét, đập đầu vào tường… Đây là hệ quả của việc chậm can thiệp, điều trị bỏ lỡ thời gian vàng, trẻ có thể đối mặt với tình trạng chậm phát triển trí tuệ kèm theo các hội chứng khác như động kinh, rối loạn vận động, rối loạn chuyển hóa, giao tiếp không được dẫn đến hành vi tự hại.

Giờ học can thiệp cá nhân cho trẻ tự kỷ tại Đơn nguyên Tâm bệnh – PHCN, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh

Những rối loạn chức năng phức tạp biểu hiện của trẻ tự kỷ được bộc lộ ra trong 3 năm đầu đời của trẻ. Thậm chí sự thiếu hụt trong phát triển cảm xúc và xã hội thường có thể phát hiện từ khi trẻ được 1 tuổi. chính vì vậy việc phát hiện trẻ có những dấu hiệu bất thường trong giai đoạn này hoàn toàn nằm trong khả năng của cha mẹ, chỉ cần cha mẹ luôn chú ý quan sát con căn cứ những mốc phát triển của bé và nắm chắc các dấu hiệu cho thấy trẻ bị tự kỷ.

Theo thạc sĩ Linh, khi phụ huynh phát hiện trẻ có biểu hiện chậm nói, giao tiếp không nhìn vào mắt người đối diện, ít đáp ứng khi gọi tên, không có chú ý chung với người khác, không để ý đến thái độ và tâm tư của người khác, không biết chia sẻ tình cảm với người khác. chơi một mình, lặp đi lặp lại một hành vi… cần đưa trẻ đến khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Để can thiệp hiệu quả cần có sự tham gia của cha mẹ và các nhà chuyên môn như bác sĩ, nhà tâm lý, các nhà giáo dục đặc biệt. Tuy nhiên, gia đình vẫn đóng vai trò then chốt, đồng hành suốt quá trình điều trị can thiệp cho con. Nếu trẻ có cơ hội được chẩn đoán và điều trị sớm các tác động của tự kỷ sẽ giảm đi rất nhiều và việc hòa nhập với cuộc sống trong tương lai sẽ dễ dàng hơn.

Để tránh trẻ sinh ra mắc tự kỷ, các cha mẹ có kế hoạch sinh con cần chú ý bồi dưỡng, giữ gìn sức khỏe, không tiếp xúc, làm nghề độc hại, hoặc các tác nhân có hại cho sức khỏe như hóa chất, nhiệt độ cao, sóng từ trường của các thiết bị điện tử,… để tránh gây nên sự rối loạn gen. Thai phụ nên duy trì khám thai đầy đủ, sinh con và nuôi dưỡng con theo phương pháp khoa học.

Một số dấu hiệu báo động trẻ tự kỷ mà cha mẹ không được bỏ qua:
– Không bi bô, không biết dùng cử chỉ, ra dấu vào khoảng 12 tháng tuổi;
– Không biết nói từ đơn khi 16 tháng tuổi; không biết đáp lại khi được gọi tên;
– Không tự nói được câu có 2 từ khi 24 tháng tuổi;
– Mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc xã hội ở bất kỳ độ tuổi nào;
– Vận động chậm chạp;
– Thích chơi một mình;
– Ít tiếp xúc với xã hội;
– Hành vi chống đối;
– Hành vi kỳ lạ;
– Rối loạn ăn uống;
– Khiếm khuyết về trí tuệ.

Quỳnh Trang

HỎI ĐÁP VÀ PHẢN ÁNH DỊCH VỤ

Bệnh viện sẽ giải đáp các câu hỏi và trả lời phản ánh sớm nhất đến quý bệnh nhân.