"Sức khỏe của bạn- Trách nhiệm của chúng tôi !""

GỌI CẤP CỨU: 0203-3696-466

Chúng tôi luôn thấu hiểu bệnh nhân và luôn cố gắng đáp ứng yêu cầu của bệnh nhân.

Cảnh Báo Tai Nạn Nguy Hiểm Vì Món Đồ Quen Thuộc Với Trẻ Em!

Xe tròn cho bé tập đi và xe ba bánh loại không có đai bảo hiểm là một dạng xe thường được sử dụng hàng ngày, thiết kế với một khung hỗ trợ và bánh xe xung quanh, cho phép bé ngồi trong xe và sử dụng chân để đẩy hoặc di chuyển xe trên sàn nhà. Tuy nhiên, việc này có thể tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đặc biệt là tai nạn thương tâm ở trẻ nếu người lớn không chú ý như: Chảy máu, gãy xương hoặc chấn thương sọ não nặng nề ….

Mới đây, trong ca trực tối, các bác sĩ Phòng khám cấp cứu- Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận bệnh nhi 15 tháng tuổi, thường trú tại Tp. Cẩm Phả nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, phản xạ tiếp xúc chậm, chóng mặt, nôn nhiều… được người nhà cho biết trẻ ngã đập đầu xuống nền nhà từ xe ba bánh khi đang chơi, sinh hoạt cùng ngày.

Qua các kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não cho thấy hình ảnh trẻ bị tụ máu rộng khoang dưới màng cứng vùng thái dương đỉnh phải, chỗ đo dày nhất 13mm. Các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn chuyên khoa liên viện và chuyển mổ cấp cứu lấy máu tụ nội sọ cho trẻ. Ca phẫu thuật có sự tham gia của BSCKII. Nguyễn Tiến Dũng- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cùng các bác sĩ, kỹ thuật viên Khoa ngoại chuyên khoa, Gây mê hồi tỉnh Bệnh viện Sản Nhi thực hiện. Sau ca phẫu thuật trẻ được được chuyển khoa Hồi sức tích cực và Ngoại chuyên khoa điều trị phục hồi, đến nay sức khỏe đã ổn định và vừa được ra viện.

Theo BSCKII. Trịnh Trương Tuyên- Trưởng khoa Ngoại-Chuyên khoa, Bệnh viện Sản Nhi cho biết: Nhiều nghiên cứu được công bố hiện nay trên thế giới cho thấy, trên thực tế xe tập đi có nguy cơ cao gây ra tai nạn thương tích cho trẻ hơn là lợi ích, bao gồm việc ảnh hưởng đến xương của trẻ do tư thế của xe hoặc có thể xảy ra tai nạn nguy hiểm nếu cha mẹ không giám sát liên tục đến trẻ, vì xe tập đi thường khó kiểm soát được tốc độ, trẻ thường đẩy xe lao đi với tốc độ cao, khi gặp vật cản trở hoặc sự thay đổi độ cao của nền nhà sẽ dễ dàng dẫn đến lật xe gây ra tai nạn thương tích nặng nề.….

Trong nghiên cứu mới được đăng trên Tạp chí Khoa nhi của Mỹ cho biết, từ năm 1990-2014, hơn 230.000 trẻ em dưới 15 tháng tuổi đã được điều trị chấn thương có liên quan tới xe tập đi cho trẻ nhỏ, hơn 90% các em nhỏ bị chấn thương liên quan tới đầu và cổ, trong khi có tới 74% trẻ nhỏ bị rơi xuống cầu thang khi đang sử dụng xe tập đi. Bệnh viện Nhi Đồng TP HCM cũng từng cấp cứu, điều trị nhiều ca chấn thương sọ não, gãy xương, bỏng… do dùng xe tập đi.

Hiện nay trên thế giới có nhiều nước đã cấm hoặc vận động người dân không nên sử dụng xe tròn tập đi vì nhận thức được mối nguy hiểm của nó. Canada là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm việc buôn bán, quảng cáo và nhập cảng xe tập đi cho trẻ em.

Do những tác hại đó, một số nước tiên tiến đã cấm sử dụng xe tập đi cho trẻ em. Ở Việt Nam hiện không có lệnh cấm này, và theo ông Nguyễn Huy Quang, Phó vụ trưởng vụ Pháp Chế, Bộ Y tế, các vật dụng cho trẻ em như xe tập đi không thuộc phạm vi quản lý của ngành. Bộ Y tế chỉ quản lý các thiết bị, dụng cụ dùng trong điều trị. Ở nhiều nước, khi một thứ đồ gia dụng được phát hiện là ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đe dọa sự an toàn của người sử dụng, ngành y tế sẽ có các khuyến cáo hoặc đề nghị ra lệnh cấm. Tuy nhiên, ông Quang cho biết ở Việt Nam hiện chưa có tiền lệ nào về việc này, cũng không có quy trình để áp lệnh cấm cho một thiết bị gia dụng với lý do liên quan đến sức khỏe.

Một số nguyên nhân được chỉ ra để giải thích tại sao việc sử dụng xe tập đi ở một số nước bị cấm:

1. Xe tập đi không hề giúp bé biết đi sớm hơn. Trong thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy những bé ngồi xe tập đi thì sẽ biết đi muộn hơn so với những bé khác. Nguyên nhân là việc di chuyển được mà không cần cố gắng sẽ càng khiến trẻ lười tập đi. Ngoài ra, trẻ quen di chuyển mà không cần nâng toàn bộ trọng lượng cơ thể, lâu ngày khiến cơ – xương không lớn mạnh được như bình thường.

2. Trẻ tập đi bằng cách quan sát cách đôi chân của mình di chuyển, nhưng khi ngồi trong chiếc xe tập đi, trẻ không nhìn thấy phần thân dưới của cơ thể chuyển động ra sao, hệ thần kinh sẽ nhận được những thông tin không đầy đủ trong việc hỗ trợ trẻ tự đi.

3. Tư thế bé đứng trong xe tập đi không phải tư thế đứng tự nhiên của con người, cách bé di chuyển trong xe cũng hoàn toàn không tự nhiên. Khi bé đứng trong xe, bé thường nửa đứng nửa ngồi, chân cong và chỉ di chuyển bằng cách đẩy đầu mũi chân chứ không như cử động bước đi bình thường là đặt cả gót chân xuống. Nếu ở trong xe tập đi quá lâu thì bé sẽ bị biến dạng xương, gây dị tật chân vòng kiềng chữ O, chữ X và ảnh hưởng đến dáng đi sau này.

4. Theo quá trình phát triển tự nhiên, bé phải biết lẫy/lật (và phải có nhiều thời gian để tự do lẫy/lật) để rèn luyện cơ cổ, cơ vai, sau đó là bé biết trườn bò (và phải có nhiều thời gian để tự do trườn/bò) để rèn luyện cơ cánh tay, cơ chân, nhất là sự phối hợp tay-mắt. Nếu dùng xe tập đi cho bé quá nhiều sẽ cản trở các quá trình phát triển tự nhiên của trẻ.

5. Xe tập đi còn hạn chế sự khám phá và phát triển về thể chất của bé. Ở giai đoạn 06 tháng trở đi, các bé biết bò, bò và sờ mó vào bất cứ món đồ nào, tìm cách với tay để lấy đồ vật, biết chơi các món đồ chơi… qua đó, bé phát triển nhận thức và cảm xúc. Nếu cho bé ngồi xe tập đi nhiều, bé sẽ không có thời gian chơi và tự mình khám phá như, mà với bé, mọi thứ quanh bé chỉ bó hẹp quanh cái xe tập đi và vài món đồ chơi gắn trên xe mà thôi. Đó là một sự thiệt thòi lớn.

6. Xe tập đi rất nguy hiểm, có thể gây chấn thương cho trẻ. Phần lớn các cháu bị ngã do xe lao rất nhanh, lăn xuống bậc thềm hoặc cầu thang. Những trẻ này thường bị chấn thương đầu, mặt hoặc gãy xương chân tay…

Như vậy, không nên cho bé dùng xe tập đi quá nhiều, hãy để bé phát triển hoàn toàn tự nhiên hoặc có thể hỗ trợ bé thật khoa học, khi bé đủ cứng cáp thì bé sẽ đi. Các mẹ cũng hãy nhớ rằng: mỗi bé có 1 tiết điệu phát triển khác nhau, bé hàng xóm 10 tháng biết đi không có nghĩa là bé nhà mình 10 tháng cũng phải biết đi.

Ngoài ra, khi cho bé dùng xe tập đi, mọi người cần lưu ý một số điều sau:

– Dẹp tất cả các vật nguy hiểm mà bé có thể với tới được như dao, kéo, vật dễ vỡ, nước nóng, các ổ điện…

– Kiểm tra đầy đủ các chi tiết của xe tập đi trước khi mua để đảm bảo an toàn cho trẻ và luôn làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất khi lắp ráp và sử dụng.

– Khi đặt bé vào xe tập đi, hãy đảm bảo rằng có một người lớn luôn bên cạnh và để mắt đến bé, sử dụng những khung sắt hoặc vật nặng chắn tại các khu vực cửa, bậc thang và cầu thang.

– Chọn loại xe có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng, thiết kế chắc chắn, không có góc sắc nhọn và đừng để con dùng xe quá 15 phút mỗi lần.

Các gia đình hãy tạo điều kiện và giúp con tập đứng, vì việc này sẽ giúp săn chắc, phát triển cơ, xương chân – tiền đề cho những bước đi đầu tiên vững chãi. Mẹ cho con bám vào chân mẹ và tự đứng dậy, sau đó giúp bé gập đầu gối để từ từ ngồi xuống nhằm tránh tổn thương phần mông và xương cột sống. Đặc biệt hãy thay xe tròn tập đi cho trẻ bằng các loại xe như xe con gà, xe cốc cốc… bé có thể đứng đằng sau vịn vào xe và tự di chuyển trong sự bảo vệ của bố mẹ hoặc người trông trẻ.

Cách tập đi cho bé

Thay vì sử dụng xe tập đi, bạn có thể áp dụng một số phương pháp sau để giúp bé học đi:

Học cách đứng lên từ tư thế ngồi: Khi bé có khả năng tự ngồi vững, bạn có thể giúp bé học cách đứng lên từ tư thế ngồi. Đây là một bước quan trọng trong quá trình phát triển vận động của bé. Khi bé ngồi trên sàn hoặc trên một chiếc ghế sô-pha hoặc bàn thấp, bạn có thể khuyến khích bé đứng lên từ tư thế này.

luu-y-khi-dung-xe-tron-cho-be-tap-di 3.jpg
Bạn có thể khuyến khích bé đứng lên từ tư thế ngồi

Vịn vào các đồ nội thất trong nhà hoặc tường: Bạn có thể giúp bé học cách giữ thăng bằng bằng cách vịn vào các đồ nội thất trong nhà hoặc tường. Điều này giúp bé cảm thấy an toàn và ổn định hơn khi thử nghiệm các bước đi đầu tiên. Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng các đồ nội thất và tường phải vững chắc và không thể gãy hoặc rơi vào bé.

Vịn vào các đồ nội thất trong nhà hay tường dần đi vòng quanh: Khi bé đã tự tin hơn, bạn có thể khuyến khích bé đi vòng quanh bằng cách vịn những vật xung quanh như bàn, ghế, hoặc tường. Điều này giúp bé cảm thấy thoải mái hơn khi thực hiện các bước đi và tăng cường khả năng giữ thăng bằng.

Nhớ luôn giữ an toàn và giám sát bé khi thực hiện các hoạt động này để đảm bảo bé không gặp nguy hiểm. Đồng thời, khích lệ bé và tạo điều kiện cho bé thực hiện các bước đi đầu tiên một cách tự tin và an toàn nhất.

Hy vọng qua nội dung bài viết ba mẹ đã có những lưu ý khi dùng xe tròn cho bé tập đi. Chúc bé nhà bạn có hành trình từ những bước đi đầu đời hiệu quả.

HỎI ĐÁP VÀ PHẢN ÁNH DỊCH VỤ

Bệnh viện sẽ giải đáp các câu hỏi và trả lời phản ánh sớm nhất đến quý bệnh nhân.