Tại phòng khám Tư vấn Dinh dưỡng bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, chúng tôi tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) có quan điểm là uống nước cam sẽ không ảnh hưởng đến đường máu. Vậy điều này đúng hay sai?
Đái tháo đường thai kỳ (Gestational Diabetes Mellitus) là tình trạng liên quan đến tăng glucose huyết tương của mẹ với mức độ thấp hơn Đái tháo đường mang thai (Diabetes in Pregnancy) và làm tăng nguy cơ các kết cục sản khoa bất lợi cho cả thai phụ và thai nhi.
Hai trong số những nguyên tắc của chế độ ăn cho bệnh đái tháo đường thai kỳ là giảm glucid và tăng cường chất xơ.
So sánh giữa việc ăn cam và uống nước cam thì trong 1 khẩu phần trái cây, hàm lượng carbs của quả cam là 15 grams trong khi hàm lượng carbs của nước ép cam là 25.5 grams. Về hàm lượng chất xơ, trong 1 khẩu phần trái cây, hàm lượng chất xơ của quả cam là 3 grams trong khi hàm lượng chất xơ của nước ép cam là 0.5 grams.
Như vậy, có thể thấy hàm lượng đường trong nước ép cam gần gấp đôi so với hàm lượng đường khi ăn cam nguyên múi. Hơn nữa, hàm lượng chất xơ trong quả cam cao gấp 6 lần so với hàm lượng chất xơ khi uống nước ép cam.
Chính vì vậy, đối với bệnh đái tháo đường thai kỳ, bệnh nhân nên ăn cam cả múi, cả miếng thay vì uống nước cam vắt hoặc nước ép cam.
————————————————
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hướng dẫn quốc gia dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ (Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em – Bộ Y tế) tháng 10/2018.
————————————————
Địa chỉ tin cậy trong sàng lọc, khám, tư vấn dinh dưỡng cho mẹ và bé tại Quảng Ninh: Nhà E2, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh
Hotline: 0375091990 (Khám) / 038 203 0532 (Tư vấn)
Email: dinhduong.bvsn@gmail.com