"Sức khỏe của bạn- Trách nhiệm của chúng tôi !""

GỌI CẤP CỨU: 0203-3696-466

Chúng tôi luôn thấu hiểu bệnh nhân và luôn cố gắng đáp ứng yêu cầu của bệnh nhân.

Sốt xuất huyết gia tăng, người dân nên cảnh giác và chủ động phòng tránh

Theo báo cáo của ngành y tế, từ đầu năm đến ngày 18/7, cả nước ghi nhận hơn 113.400 ca sốt xuất huyết, con số này tăng khoảng 10.000 ca so với thống kê 1 tuần trước đó. Đến thời điểm này đã có 39 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết.
Trước thực trạng bệnh sốt xuất huyết gia tăng mạnh mẽ, có thể bùng phát trên diện rộng, để chủ động phòng chống dịch, kiên quyết không để dịch chồng dịch, Bộ Y tế vừa tiếp tục có văn bản đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố huy động các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt các lực lượng cán bộ tại tổ dân phố, thôn, bản, cộng đồng tham gia các hoạt động phòng, chống dịch; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tới tận các hộ gia đình để người dân chủ động tham gia phòng, chống dịch, chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, khu vực di biến động về dân cư, khu vực có ổ dịch cũ.
Bệnh sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng.
Các cấp, ngành, địa phương liên quan triển khai mạnh mẽ các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy trên địa bàn ngay trong tháng 7 và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng, bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại. Vận động toàn thể người dân cùng tham gia phòng dịch sốt xuất huyết.
Ngành y tế các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch trong cộng đồng; tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong; có kế hoạch phân tuyến, hỗ trợ cán bộ điều trị có kinh nghiệm cho tuyến dưới để hạn chế chuyển tuyến khi không cần thiết, tránh quá tải bệnh viện; tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở…
Các địa phương củng cố đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết. Đồng thời tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt; thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống sôi.
Theo thống kê của ngành y tế, một tuần qua số ca mắc sốt xuất huyết tăng đột biến với hơn 10.000 ca, trong đó nhiều ca là trẻ em. Vì vậy, các chuyên gia lưu ý khi trẻ sốt cao trên 2 ngày kèm với các dấu hiệu như quấy khóc, bứt rứt, đau bụng, chảy máu cam, răng, ói ra máu, tiêu phân đen, tay chân lạnh, bỏ ăn… các gia đình không được chủ quan cần đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chữa trị kịp thời.
Đối với Quảng Ninh, những tháng qua, dịch sốt xuất huyết cũng đã xuất hiện rải rác ở một số địa phương trong tỉnh, tuy nhiên vẫn ở mức an toàn. Hiện ngành y tế Quảng Ninh đang tiếp tục theo dõi diễn biến của bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt là ở những vùng thuộc ổ dịch cũ.
Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả thì việc tham gia của người dân, cộng đồng là vô cùng quan trọng. Trong đó, mỗi người dân cần dọn dẹp sạch sẽ, tạo không gian thoáng đãng ở nơi làm việc, sinh sống, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, bọ gậy, muỗi; sử dụng bình xịt, nhang muỗi, thuốc xịt hoặc thoa để xua muỗi, mặc quần áo dài tay, ngủ màn để tránh muỗi đốt. Đặc biệt, khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn, nôn…, người dân cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

HỎI ĐÁP VÀ PHẢN ÁNH DỊCH VỤ

Bệnh viện sẽ giải đáp các câu hỏi và trả lời phản ánh sớm nhất đến quý bệnh nhân.