Theo thống kê của Bộ Y tế, tuần qua có gần 2.900 ca mắc COVID-19, giảm mạnh so với trước đó; số bệnh nhân nặng cũng không tăng nhiều; Cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng trong bối cảnh virus gây COVID-19 vẫn không ngừng biến đổi và tạo ra các biến chủng mới.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.508.447 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.302 ca nhiễm).
Tổng số người mắc COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi bệnh đến nay là10.605.867 ca; trong số hơn 850 nghìn trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 68 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 55 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 4 ca; Thở máy xâm lấn: 9 ca. Số bệnh nhân nặng này tăng gấp đôi so với ngày 11/11 và là một trong các ngày có bệnh nhân nặng nhiều nhất kể từ đầu tháng 11 đến nay.
Tuần qua, theo thống kê ghi nhận 1 ca tử vong do COVID-19 tại Tây Ninh, 6 ngày liên tiếp còn lại không ghi nhận ca mắc COVID-19. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 0 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.166 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Khởi động triển khai chương trình tư vấn khám, chữa bệnh từ xa cho tuyến y tế cơ sở
Tại TP Huế, Bộ Y tế, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng phối hợp tổ chức lễ khởi động triển khai chương trình tư vấn khám, chữa bệnh từ xa cho tuyến y tế cơ sở sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” tại 5 tỉnh bao gồm Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk và Cà Mau.
Như vậy, tổng số sẽ có khoảng gần 7 triệu người dân được hưởng lợi từ chương trình tư vấn khám, chữa bệnh từ xa này.
Giải pháp tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở dựa trên nền tảng web và ứng dụng trên điện thoại thông minh sẽ giúp người dân vùng xa tiếp cận được dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng ngay tại địa phương mình, từ đó giúp giảm tình trạng quá tải ở các cơ sở y tế tuyến tỉnh, thành phố. Giải pháp này cũng giúp các cán bộ y tế huyện, xã có thể tham khảo ý kiến của đồng nghiệp và nâng cao năng lực chuyên môn của họ.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Tăng cường ứng phó COVID-19 thông qua tăng cường năng lực tiếp cận vaccine và hệ thống y tế” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Dự án này hỗ trợ cho 5 tỉnh các thiết bị công nghệ thông tin gồm máy chủ đặt tại Sở Y tế tỉnh, 15 bộ máy tính để bàn, camera, loa ngoài cho 15 trạm y tế xã, đồng thời tổ chức hướng dẫn đào tạo sử dụng và triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà”.
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 640 triệu ca, trên 6,6 triệu ca tử vong. Tuần qua toàn cầu có hơn 2,13 triệu ca COVID-19 mới và hơn 9.400 ca tử vong mới.
Số ca mắc và số ca tử vong do COVID-19 giảm rõ rệt ở 4 khu vực của WHO là châu Âu, châu Mỹ, Đông Địa Trung Hải và châu Phi, tuy nhiên hai khu vực Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á tăng lại, chủ yếu do làn sóng mới từ các quốc gia châu Á.
Phát biểu tại buổi họp báo trực tuyến toàn cầu tối 10/11, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết con số tử vong do COVID-19 tuần qua là mức giảm tới 90% so với tuần lễ đỉnh điểm hồi tháng 2 năm nay.
Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục kêu gọi tăng cường xét nghiệm, giải trình tự gien để giám sát cũng như thu hẹp khoảng cách tiêm chủng toàn cầu trong bối cảnh virus gây bệnh COVID-19 vẫn không ngừng biến đổi và tạo ra các biến chủng mới.
Ngày 10/11, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 do hai hãng dược phẩm Sanofi (Pháp) và GlaxoSmithKline (GSK-Anh) sản xuất làm mũi tăng cường cho người trên 18 tuổi, sau khi các thử nghiệm cho kết quả tích cực về khả năng chống biến thể Omicron của vaccine này.