Các bác sĩ Khoa Ngoại & Chuyên khoa, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi Chíu Thị Phượng (03 tuổi), dân tộc Dao, thường trú tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh bị bỏng nhiệt do lửa cháy vùng cổ – ngực – lưng- bụng – tay, chân độ 2-3, diện tích bỏng 17% cơ thể.
Bệnh nhi được sơ cứu kịp thời tại TTYT huyện Bình Liêu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh cấp cứu trong tình trạng đau đớn, kích thích, bỏng vị trí cổ, ngực, lưng, cánh tay trái, cẳng tay phải…
Bệnh nhi được chẩn đoán bỏng nhiệt độ II, III, vết bỏng sâu rộng, trợt da, phỏng nước, dịch thấm băng nhiều các vị trí từ ngực, lưng, cánh tay trái, cẳng tay phải, vùng cổ, vùng đùi… chuyển Khoa Ngoại & chuyên khoa điều trị.
Tại Khoa Ngoại & Chuyên khoa, các bác sĩ đã tập trung xử trí, cấp cứu, tạo đường truyền bù dịch, giảm đau, chống sốc, cắt lọc các tổ chức da hoại tử do trợt, làm sạch diện bỏng và băng đắp gạc Silverin vết bỏng. Hiện tại, sau hơn 1 tuần điều trị bệnh nhi tạm ổn, tiếp tục được điều trị tích cực tại Khoa Ngoại & Chuyên khoa bệnh viện.
Bác sĩ Trịnh Trương Tuyên, Trưởng Khoa Ngoại & Chuyên khoa cho biết: Trường hợp trẻ bị tai nạn vô cùng hy hữu như bỏng do ngã vào lửa, nước sôi, uống nhầm dầu hoả, nuốt nhầm đồ chơi, đồng xu… Tất cả các bệnh nhi đều nhập viện trong tình trạng nguy hiểm, kích thích, đau đớn. Các bé may mắn hiện sức khoẻ đều trong tình trạng ổn định song những tổn thương về cơ thể, về tinh thần chắc chắn sẽ còn đeo đẳng và ám ảnh các bé lâu dài.
Bác sĩ khuyến cáo mỗi phụ huynh hãy đảm bảo một môi trường sống an toàn cho trẻ, luôn chú ý giám sát trẻ; để các vật dụng dễ gây bỏng (phích nước sôi, cốc nước nóng, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, bật lửa…) ngoài tầm tay trẻ. sự bất cẩn của người lớn sẽ vô tình khiến trẻ em gặp phải những tai nạn đau đớn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Cách chăm sóc vết bỏng tại chỗ:
Khi trẻ chẳng may bị bỏng, hãy bình tĩnh nhanh chóng đưa bé đến ngay vòi nước trong nhà xối rửa nhiều nước (ko xối nước đá hoặc nước lạnh) mục đích sẽ làm cho da bớt nóng, bớt bị mất nước và sẽ bớt đau, sẽ giảm diện tích da bị thương và giảm độ nặng của tổn thương bỏng.
Sau đó tuỳ tình trạng nặng hay nhẹ, diện tích bỏng lớn hay nhỏ, nhà ở gần bệnh viện hay ở xa bệnh viện để đưa các bé đến khám cho bác sĩ đánh giá tình trạng bỏng và có hướng xử trí thích hợp.
Trường hợp Bệnh nhi Chíu Thị Phượng, dân tộc Dao, 03 tuổi thường trú tại Thôn Cao Sơn, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh bị bỏng rất nặng, diện tích bỏng lớn, nhiều vị trí, thời gian điều trị lâu dài, nhiều lần. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ cháu không có công việc ổn định, thu nhập không có, không đủ điều kiện cho cháu đi phẫu thuật tại tuyến trên, ý định xin về đắp thuốc lá. Y bác sỹ trong khoa Ngoại & Chuyên khoa đã động viên gia đình tiếp tục để cháu điều trị tại Bệnh viện, Bệnh viện đã hỗ trợ tiền ăn, viện phí cho cả mẹ và bé.