"Sức khỏe của bạn- Trách nhiệm của chúng tôi !""

GỌI CẤP CỨU: 0203-3696-466

Chúng tôi luôn thấu hiểu bệnh nhân và luôn cố gắng đáp ứng yêu cầu của bệnh nhân.

BỆNH LÝ TIỀN SẢN GIẬT – NHỮNG ĐIỀU MẸ BẦU CẦN BIẾT

Tiền sản giật là gì ?

Tiền sản giật (Preeclampsia): là rối loạn chức năng nhiều cơ quan liên quan đến thai nghén đặc trưng với sự xuất hiện triệu chứng tăng huyết áp và protein niệu hoặc các triệu chứng lâm sàng liên quan đến tổn thương nhiều cơ quan do ảnh hưởng của tiền sản giật.

Tỷ lệ tiền sản giật ?

Tỷ lệ tiền sản giật 2 – 10% trong toàn bộ thai kỳ, thường cao hơn ở các nước chậm phát triển và đang phát triển. Tại Việt Nam theo các báo cáo tỷ lệ tiền sản giật dao động 2,8 – 5,5 % trong toàn bộ thai kỳ.

Các yếu tố nguy cơ tiền sản giật ?

Mức độ nguy cơ Yếu tố nguy cơ
 

Nguy cơ cao

–        Tiền sử TSG (đặc biệt khi TSG có biến chứng nặng).

–        Tăng HA mạn

–        Đái tháo đường tuýp 1 hoặc tuýp 2

–        Bệnh thận

–        Bệnh tự miễn (lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng kháng phospholipid…)

–        Đa thai.

 

Nguy cơ trung bình

–        Con so

–        Béo phì (BMI >30kg/m2)

–        Tiền sử gia đình TSG (mẹ hoặc chị em gái)

–        Mẹ mang thai trên 35 tuổi.

–        Kinh tế xã hội: Tình trạng kinh tế xã hội thấp

–        Khác: sinh con nhẹ cân, thai gới hạn tăng trưởng trong tử cung, kết cục xấu ở thai kỳ trước, khoảng cách giữa 2 lần mang thai trên 10 năm.

Nguy  thấp  Tiền sử sinh đủ tháng, không biến chứng.

 

Triệu chứng của tiền sản giật ?

  • Tăng huyết áp:

+  Triệu chứng tăng HA trong TSG được xác định khi tuổi thai sau tuần thứ 20. Trường hợp bệnh nhân chưa biết giá trị HA trước đó, chẩn đoán khi HATT ≥ 140 mmHg hoặc HATTr ≥ 90 mmHg, đo 2 lần cách nhau 4 giờ và không quá 1 tuần.

+ Huyết áp tâm thu ≥ 160 mmHg hoặc huyết áp tâm trương ≥ 110 mmHg, tăng huyết áp có thể được xác định trong khoảng thời gian ngắn (vài phút) để thích hợp cho điều trị hạ áp cho bệnh nhân

+ Có thể chỉ định Holter HA để chẩn đoán nếu cần.

  • Protein niệu:

+ Chẩn đoán protein niệu trong thai kỳ khi lượng protein bài xuất trong nước tiểu ≥ 300 mg/24 giờ, hoặc tỷ lệ protein/creatinine niệu ≥ 0,3 (mg/dl) hoặc dipstick + (sử dụng nếu phương pháp định lượng không có sẵn).

  • Các triệu chứng lâm sàng khác:

+  Triệu chứng phù ít có giá trị và không còn là tiêu chuẩn chẩn đoán tiền sản giật.

+  Các triệu chứng lâm sàng khác liên quan đến rối loạn chức năng nhiều cơ quan do ảnh hưởng của bệnh lý tiền sản giật gồm: rối loạn thị giác và tri giác, đau đầu không đáp ứng với các thuốc giảm đau, đau vùng thượng vị – hạ sườn phải, căng bao Glisson, tan máu, phù phổi…

Chẩn đoán tiền sản giật ?

Tiêu chuẩn chẩn đoán tiền sản giật  ( ACOG Task Force 2013)

Huyết áp + Triệu chứng tăng HA trong TSG được xác định khi tuổi thai sau tuần thứ 20. Trường hợp bệnh nhân chưa biết giá trị HA trước đó, chẩn đoán khi HATT ≥ 140 mmHg hoặc HATTr ≥ 90 mmHg, đo 2 lần cách nhau 4 giờ và không quá 1 tuần.

+ Huyết áp tâm thu ≥ 160 mmHg hoặc huyết áp tâm trương ≥ 110 mmHg, tăng huyết áp có thể được xác định trong khoảng thời gian ngắn (vài phút) để thích hợp cho điều trị hạ áp cho bệnh nhân

Protein niệu + Chẩn đoán protein niệu trong thai kỳ khi lượng protein bài xuất trong nước tiểu ≥ 300 mg/24 giờ,

+ Hoặc tỷ lệ protein/creatinine niệu ≥ 0,3 (mg/dl)

+ Hoặc dipstick + (sử dụng nếu phương pháp định lượng không có sẵn).

Trong trường hợp không có Protein niệu, tăng huyết áp mới xuất hiện kèm với 1 trong các dấu hiệu mới khởi phát sau:
Giảm tiểu cầu Tiểu cầu < 100.000/ µL
Suy thận Creatinin huyết thanh > 1.1 mg/dl hoặc gấp đôi nồng độ Creatinin huyết thanh bình thường mà không có nguyên nhân do bệnh lý thận khác.
Suy tế bào gan Men gan tăng gấp ≥  2 lần bình thường
Phù phổi
Các triệu trứng của não và thị giác

Biến chứng của tiền sản giật?

  • Biến chứng cho mẹ:
  • Sản giật: sản giật là tình trạng có cơn co giật mới khởi phát trên phụ nữ bị tiền sản giật mà không giải thích được bởi nguyên nhân nào khác. Sản giật có thể xảy ra trước, trong và sau chuyển dạ. Sản giật là một triệu chứng rất nặng của tiền sản giật, thể hiện tình trạng tổn thương nội mô ở não.
  • Hội chứng HELLP: là biến chứng nặng của TSG và sản giật, thể hiện một đặc điểm của tổn thương nội mô đa cơ quan, bệnh cảnh của hội chứng HELLP thường rất nặng, đe doạ nghiêm trọng tính mạng của người bệnh. Hội chứng HELLP được đặc trưng bởi: Huyết tán (Hemolysis); Tăng men gan (Elevated Liver Enzyme); Giảm tiểu cầu (Low Platelet Count).
  • Tổn thương hệ thần kinh trung ương: phù não, xuất huyết não – màng não.
  • Tổn thương thận: co thắt mạch máu ở thận, gây tổn thương vi cầu thận gây tiểu đạm, hoại tử ống thận gây thiểu niệu vô niệu có thể dẫn đến suy thận cấp.
  • Tổn thương gan: co thắt mạch máu trong gan, hệ quả là tắc nghẽn các mạch máu trong gan và hoại tử tế bào gan, làm căng bao gan, xuất huyết hoại tử trong gan.
  • Tổn thương tim, phổi: suy tim cấp, phù phổi cấp.
  • Tổn thương mắt: Phù võng mạc, mù mắt.
  • Huyết học: Rối loạn đông – chảy máu, giảm tiểu cầu, đông máu rải rác trong lòng mạch.
  • Rau bong non là hệ quả của co thắt mạch và xuất huyết của màng đệm, với tiên lượng rất nặng cho mẹ và cho thai.
  • Biến chứng cho con:
  • Thai chậm phát triển trong tử cung là một biến chứng thường gặp, xuất hiện trên 50% các trường hợp tiền sản giật.
  • Đẻ non: là hệ quả của việc điều trị chấm dứt thai kỳ, chiếm khoảng 30 – 40%.
  • Tử vong chu sinh: Tỷ lệ tử vong chu sinh trong tiền sản giật cao gấp 8 lần dân số thường. Tử vong chu sinh tăng trong trường hợp sinh non, thai giới hạn tăng trưởng, rau bong non.
  • Tổn thương thần kinh do thiếu oxy, do thai non tháng.
  • Thai chết lưu trong tử cung.

Điều trị tiền sản giật ?

  • Tiền sản giật nhẹ

+ Có thể theo dõi và điều trị ngoại trú

+ Cho thai phụ nghỉ ngơi yên tĩnh, chế độ ăn nhiều đạm, nhiều rau và trái cây tươi.

+ Theo dõi tình trạng sức khoẻ của mẹ: đo huyết áp tư thế ngồi 4h/lần ngoại trừ thời gian từ nửa đêm đến sáng; theo dõi các triệu chứng như nhức đầu, rối loạn thi giác, đau thượng vị, lượng nước tiểu, tăng cân… nếu có dấu hiệu bất thường cần nhập viện ngay.

+ Theo dõi tình trạng thai nhi: theo dõi cử động thai nhi, nếu có dấu hiệu bất thường cần nhập viện ngay

+ Khám thai mỗi 3-4 ngày/lần: khám lâm sàng, siêu âm, monitoring thai, xét nghiệm nước tiểu và các xét nghiệm máu.

  • Tiền sản giật nặng

+ Phải nhập viện theo dõi và điều trị tích cực

+ Dự phòng và kiểm soát cơn giật bằng Magnesium sufate

+ Điều trị hạ áp khi huyết áp cao.

+ Hỗ trợ phổi thai nhi tuổi thai từ 28-34 tuần.

+ Lựa chọn thời điểm chấm dứt thai kỳ và phương pháp chấm dứt thai kỳ.

Làm thế nào để giảm được tỷ lệ tiền sản giật?

  • Tất cả thai phụ nên được sàng lọc tiền sản giật từ 11 tuần 3 ngày – 13 tuần 6 ngày theo mô hình của FMF (yếu tố nguy cơ từ thai phụ, MAP, UTPI, PlGF) để xác định nguy cơ xuất hiện tiền sản giật từ đó có liệu trình điều trị dự phòng tiền sản giật cho thai phụ

 

Điều trị dự phòng tiền sản giật

  • Thuốc điều trị dự phòng tiền sản giật: Aspirin liều 150 mg/ngày.
  • Thời gian bắt đầu dùng: Aspirin chỉ có hiệu quả dự phòng tiền sản giật khi được sử dung trước 15 tuần của thai kỳ .
  • Thời gian dùng thuốc tốt nhất là buổi tối.
  • Thời gian kết thúc điều trị dự phòng tuần 36.
  • Hiệu quả điều trị dự phòng tiền sản giật cũng phụ thuộc vào việc tuân thủ dùng thuốc của các thai phụ.

HỎI ĐÁP VÀ PHẢN ÁNH DỊCH VỤ

Bệnh viện sẽ giải đáp các câu hỏi và trả lời phản ánh sớm nhất đến quý bệnh nhân.