Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh

Sự hài lòng của người bệnh là trách nhiệm của chúng tôi !

GỌI CẤP CỨU: 0203-3696-466

Chúng tôi luôn thấu hiểu bệnh nhân và luôn cố gắng đáp ứng yêu cầu của bệnh nhân.

Chăm sóc và phòng ngừa adenovirus ở trẻ em

Adenovirus là một trong những nhóm virus gây viêm đường hô hấp ở trẻ em, đặc biệt là nhóm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ – độ tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Chúng là những nguyên nhân phổ biến gây sốt, ho, viêm họng, tiêu chảy và đau mắt đỏ. Thời gian gần đây, số trẻ mắc Adenovirus nhập viện gia tăng khiến nhiều bậc cha mẹ hoang mang, lo lắng. Hiện nay, tại Việt Nam chưa có vaccine phòng ngừa Adenovirus. Nhưng thực tế, đây là loại virus gây bệnh phổ biến, việc điều trị chăm sóc như các bệnh viêm đường hô hấp thông thường. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý các thông tin dưới đây để bảo vệ con mình một cách tốt nhất

 

Adenovirus lây nhiễm chủ yếu thông qua giọt bắn; đường hô hấp giữa người với người; qua niêm mạc khi bơi lội hoặc dùng chung vật dụng với người bệnh. Các biểu hiện: sốt, ho, viêm họng, viêm kết mạc, tiêu chảy rất khác nhau tùy thuộc vào tuýp huyết thanh. Ổ chứa Adenoviruses là người. Bệnh nhân là nguồn truyền nhiễm trong suốt thời kỳ mắc bệnh.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu Adenovirus, tuy nhiên với đa số trẻ nhiễm Adenovirus thường tự ổn định sau 7- 10 ngày. Thông thường, nhiễm Adenovirus ở thể nhẹ, có thể chăm sóc và theo dõi tại nhà. Tuy nhiên Adenovirus có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, do vậy cha mẹ phải theo dõi thường xuyên tình trạng sức khỏe của trẻ và ngay khi có dấu hiệu bất thường cần tới cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời.

Chăm sóc trẻ mắc Adenovirrus:

Đảm bảo thân nhiệt cho trẻ: Trẻ thường có sốt cao 39-40 độ C, do đó trẻ nên được giảm nhiệt độ để đưa thân nhiệt trở về bình thường bằng các biện pháp như: Cho trẻ nằm nơi thoáng mát, nới rộng quần áo; chườm ấm: trán, hai bên hố nách và bẹn cho trẻ; cho trẻ dùng hạ sốt khi nhiệt độ lớn hơn hoặc bằng 38,5 độ C bằng các thuốc hạ sốt: Efferalgan, Hapacol… theo chỉ định của bác sĩ. Tránh để trẻ bị nhiễm lạnh

Đảm bảo về đường thở cho trẻ: Các triệu chứng về hô hấp thường liên quan tới ho nhiều và xuất tiết nhiều đờm dãi. Vì vậy trẻ cần được thông thoáng đường thở bằng các biện pháp như: Nằm phòng thoáng mát; Thường xuyên vệ sinh mũi họng, có thể sử dụng nước muối sinh lý làm sạch mũi cho trẻ, cho trẻ súc họng hàng ngày. Vỗ rung long đờm khi tăng tiết và thực hiện các hướng dẫn hỗ trợ khác như hút rửa mũi, hút đờm rãi, hay khí dung

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ nhằm tăng cường sức đề kháng cho trẻ: Một chế độ ăn uống bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết sẽ giúp tăng sức đề kháng ở trẻ. Khi có sức đề kháng tốt, trẻ giảm được các nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ bằng cách trẻ đang bú mẹ, nên tiếp tục cho trẻ bú mẹ, với trẻ lớn cho trẻ ăn các thức ăn lỏng, mềm, có mùi vị dễ chịu, dễ nuốt, dễ tiêu như cháo thịt, cháo sườn nhừ, cháo gà, … cho trẻ uống nhiều nước: Oresol, nước ép hoa quả… Nếu trẻ buồn nôn hoặc nôn cần chia nhỏ bữa ăn, cho trẻ ăn ít một để hạn chế nôn trớ và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn

Đảm bảo vệ sinh và hướng dẫn trẻ vệ sinh đúng cách: Thường xuyên vệ sinh mũi họng, có thể sử dụng nước muối sinh lý làm sạch mũi cho trẻ mỗi ngày; Nếu có viêm kết mạc mắt thì nhỏ nước muối nhiều lần trong ngày; Hướng dẫn trẻ và người chăm sóc cách rửa tay đúng cách và nhắc nhở trẻ rửa tay thường xuyên; Hướng dẫn trẻ cách ho và hắt hơi vào khăn tay hoặc khăn giấy, không ho và hắt hơi vào tay. Chú ý giữ các bề mặt trẻ có thể tiếp xúc như mặt bàn, đồ chơi… được sạch sẽ.

Nên cho con đến cơ sở y tế khám nếu có các biểu hiện sau:

Sốt cao, đặc biệt sốt ≥ 39,5 độ C, sốt kéo dài hơn 48 giờ, khó hạ sốt

Có vấn đề về hô hấp: khó thở, thở thanh, thở có lõm ngực, thở bất thường.

Trẻ li bì khó đánh thức, hoặc kích thích vật vã

Bị đỏ mắt, đau mắt hoặc thay đổi thị lực.

Bị tiêu chảy nặng, nôn mửa hoặc có dấu hiệu mất nước, chẳng hạn như đi tiểu ít hơn hoặc tã ướt ít hơn, miệng khô, mắt trũng sâu, hành động mệt mỏi và li bì.

Trẻ dưới 3 tháng tuổi hoặc trẻ có các bệnh nền: đẻ non, bệnh bẩm sinh, trẻ có hệ miễn dịch kém.

Làm thế nào để phòng bệnh do Adenovirus?

Đảm bảo vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn cho trẻ và người chăm sóc trẻ

Vệ sinh mũi họng, vệ sinh mắt cho trẻ hàng ngày

Vệ sinh sạch các bề mặt sử dụng chung (như mặt bàn, tay nắm cửa và đồ chơi…) sạch sẽ

Dạy trẻ hắt hơi và ho vào khăn giấy – không phải tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

Không để trẻ nhiễm lạnh, nhất là khi bước vào thời điểm giao mùa.

Tránh để trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh. Nếu trường học có trẻ bị nhiễm Adenovirus, hãy đảm bảo trẻ được cách ly và bảo vệ tuyệt đối đến khi các triệu chứng bệnh biến mất.

Không đưa trẻ đến những nơi công cộng đang có dịch bệnh như bệnh viện, trường học, nhà trẻ… Trường hợp bắt buộc, hãy đeo khẩu trang đầy đủ.

Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

HỎI ĐÁP VÀ PHẢN ÁNH DỊCH VỤ

Bệnh viện sẽ giải đáp các câu hỏi và trả lời phản ánh sớm nhất đến quý bệnh nhân.