Từ đầu năm đến nay một số dịch bệnh đã xuất hiện trên địa bàn Quảng Ninh tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát nếu không được ngăn chặn kịp thời. Do đó, việc chủ động phòng chống dịch là giải pháp quan trọng hàng đầu để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Nhằm tạo lá chắn bảo vệ sức khỏe, vắc-xin là một trong những biện pháp thiết thực, hiệu quả. Do đó, tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo quyết liệt ngành y tế phối hợp cùng chính quyền địa phương triển khai hiệu quả việc tiêm chủng vắc-xin. Ngành y tế thường xuyên rà soát nhu cầu vắc-xin trong công tác tiêm chủng mở rộng, xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí mua sắm hằng năm, đẩy mạnh việc triển khai tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu tại các bệnh viện, tăng cường giám sát bệnh truyền nhiễm trong tiêm chủng, giám sát chặt chẽ công tác quản lý, tiếp nhận, bảo quản vắc-xin và vật tư phục vụ tiêm chủng.
Cùng với đó, ngành cũng kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế và địa phương kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, nhất là bệnh truyền nhiễm như: Tay chân miệng, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ… Đồng thời, đảm bảo sẵn sàng, đầy đủ hoá chất, thuốc, vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị, xử lý dịch kịp thời; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát và hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh tại những điểm nóng, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch.
Ngành y tế cũng chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng chống dịch, đa dạng hóa hoạt động truyền thông để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, truyền thông nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân. Ngành cũng triển khai giám sát hoạt động phòng chống bệnh, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ chuyên trách tuyến huyện về giám sát, phòng chống, phân vùng dịch, nâng cao chất lượng phát hiện, xử lý, dập dịch kịp thời.
Nhằm nâng cao năng lực phòng chống dịch, tháng 11/2011 tỉnh đã đầu tư xây mới trụ sở CDC Quảng Ninh có diện tích sử dụng 12.000m2 với tổng mức đầu tư gần 250 tỷ đồng. Sau gần 2 năm thi công, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Việc có một trung tâm kiểm soát bệnh tật hiện đại, xứng tầm, sẽ góp phần nâng cao năng lực cho việc giám sát, phát hiện và kiểm soát các dịch bệnh trên địa bàn, qua đó, góp phần vào chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho nhân dân.
Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm đầu tư trang thiết bị, máy móc, nâng cao năng lực xét nghiệm phòng chống dịch cho các đơn vị y tế trên địa bàn. Hiện Quảng Ninh là địa phương đi đầu triển khai được các kỹ thuật xét nghiệm chuyên sâu như: Chẩn đoán cúm A (H5N1, H7N9); SARS-CoV-2; tay chân miệng, rubella, sốt xuất huyết, sởi, định lượng nồng độ một số loại vi rút viêm gan, HPV, HIV… Đồng thời, là một trong những địa phương đầu tiên của toàn quốc triển khai hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm trên phần mềm đến trạm y tế tuyến xã, qua đó giúp các xã, phường chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của tỉnh và ngành y tế, để dịch bệnh không lây lan trên diện rộng, mỗi người dân cần chủ động chấp hành các khuyến cáo của bác sĩ và cơ quan y tế; nâng cao sức đề kháng của bản thân; duy trì lối sống lành mạnh. Khi mắc bệnh, người dân tuyệt đối không tự ý mua thuốc để điều trị tại nhà hoặc theo những phương thức truyền miệng dân gian, đồng thời tới ngay các cơ sở y tế nếu có biểu hiện bất thường.
Việc chủ động phòng chống dịch bệnh không để bùng phát không chỉ bảo vệ sức khỏe nhân dân, mà còn giảm thiểu tổn thất cho xã hội, đảm bảo duy trì sản xuất ổn định, thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương.