"Sức khỏe của bạn- Trách nhiệm của chúng tôi !""

GỌI CẤP CỨU: 0203-3696-466

Chúng tôi luôn thấu hiểu bệnh nhân và luôn cố gắng đáp ứng yêu cầu của bệnh nhân.

Chủ động tăng cường miễn dịch và phòng chống bệnh giao mùa Xuân – Hè cho trẻ em và người lớn

Thời tiết chuyển mùa tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus, sinh vật trung gian truyền bệnh phát triển, dễ lây lan, bùng phát, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh trong giai đoạn này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cá nhân mà còn góp phần xây dựng lá chắn miễn dịch vững chắc, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Theo BSCKII. Trương Văn Thế- phó khoa(phụ trách) khoa Hô hấp tim mạch- tiêu hóa -thần kinh: Thời gian tới, từ tháng 4 đến tháng 5 là thời điểm giao mùa Xuân – Hè, nhiệt độ trong ngày thay đổi liên tục do chuyển mùa, cộng với không khí nóng ẩm cũng làm cho cơ thể con người phải tiêu tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm, những người sức khỏe yếu (người già, trẻ em, phụ nữ mang thai,…) hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị mắc bệnh. Với những người mắc các bệnh mạn tính thì đây cũng là thời gian bệnh dễ tiến triển thành các đợt cấp nặng hơn.
Bên canh đó, BSCKII. Phạm Ngọc Mười- Trưởng khoa các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết thêm: những tháng đầu năm có nhiều hoạt động vui chơi, lễ hội là yếu tố khiến các bệnh dịch lây lan mạnh; Trong đó, các bệnh truyền nhiễm như sởi, cúm, RSV, Rota, viêm phổi, viêm màng não, ho gà… đang diễn biến phức tạp. Đặc biệt, sau giai đoạn gián đoạn tiêm chủng do đại dịch Covid-19, tỷ lệ tiêm vắc xin suy giảm tạo ra một “lỗ hổng miễn dịch” đáng lo ngại….
Một số bệnh thường trong thời điểm giao mùa :
1 Bệnh Sởi
Sởi không đơn thuần là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thông thường. Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não, suy dinh dưỡng nặng và thậm chí tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Nguy hiểm hơn, virus sởi còn “xóa” trí nhớ miễn dịch của cơ thể, tiêu diệt tế bào bạch cầu ghi nhớ tác nhân gây bệnh, khiến người bệnh mất khả năng miễn dịch trước nhiều loại vi khuẩn, virus từng gặp hoặc tiêm phòng trước đó. Hệ quả là sau khi khỏi sởi, bệnh nhân có nguy cơ cao mắc lại các bệnh truyền nhiễm khác như viêm phổi, cúm, tiêu chảy kéo dài từ 2 – 5 năm, thậm chí lâu hơn.
Đặc biệt, trẻ nhỏ sau mắc sởi thường suy dinh dưỡng, chậm phát triển và dễ mắc bệnh hơn so với trẻ đã tiêm phòng đầy đủ. Người lớn cũng đối mặt rủi ro, với 15% trường hợp gặp biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Đối với người cao tuổi và người có bệnh nền mạn tính, sởi có thể gây suy kiệt sức khỏe nghiêm trọng. Phụ nữ mang thai nhiễm sởi có nguy cơ cao sảy thai, sinh non hoặc con dị tật bẩm sinh, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ, tỷ lệ dị tật thai nhi lên tới 50%.
2.Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra, trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Theo bác sĩ Mười, nắng nóng kết hợp mưa là điều kiện thích hợp cho muỗi vằn sinh sản nhiều hơn, trứng thuận lợi nở ra lăng quăng. Chúng thích sống gần người, chích ở vị trí khó phát hiện.
Muỗi chích người bệnh sau đó chích người lành, tạo điều kiện cho virus Dengue xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh với triệu chứng sốt cao, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, buồn nôn và nôn, phát ban… Ở giai đoạn hạ sốt từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, người bệnh có thể trở nặng, gặp các biến chứng như giảm tiểu cầu, cô đặc máu, sốc mất máu, tràn dịch màng phổi, xuất huyết não, suy gan, suy thận, suy đa tạng…
3. Thủy đậu
Thủy đậu do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra, dễ lây qua đường hô hấp khi hít phải các giọt bắn từ người bệnh hoặc tiếp xúc với các bóng nước bị vỡ, các vật dụng chứa virus. Tại Việt Nam, cao điểm thủy đậu thường vào từ tháng 3 đến tháng 5. Lý do, giai đoạn này mưa nắng thất thường, độ ẩm tăng cao là điều kiện lý tưởng cho virus thủy đậu lây lan, bùng phát mạnh trong cộng đồng.
Thủy đậu có thời gian ủ bệnh từ 10-20 ngày, sau đó sẽ khởi phát bệnh với triệu chứng sốt, đau đầu, đau cơ sổ mũi, nôn ói, đau họng, nổi ban… Bệnh thường khỏi trong 7-10 ngày, tuy nhiên có thể biến chứng khi không được chăm sóc đúng. Các biến chứng thường gặp gồm nhiễm trùng da tiến triển nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm màng não, viêm não.
4. Viêm não Nhật Bản
Ổ chứa virus viêm não Nhật Bản là các loài chim hoang dã, heo, bò, ngựa… truyền bệnh cho người thông qua vết muỗi đốt. Ở Việt Nam, muỗi Culex sinh sản mạnh vào mùa hè, vì vậy, cao điểm bệnh rơi vào tháng 5-8. Bệnh diễn tiến nhanh chóng, tỷ lệ tử vong lên đến 30%. Di chứng thần kinh hoặc tâm thần vĩnh viễn có thể xảy ra ở 30-50% người bệnh như liệt, rối loạn ngôn ngữ, động kinh, suy giảm trí nhớ…
5. Tay chân miệng
Tháng 4-6 được xem là đỉnh dịch bệnh tay chân miệng do virus Enterovirus 71 (EV71) gây ra các triệu chứng sốt, nổi hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối… Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi.
Bác sĩ lưu ý, trẻ bị tay chân miệng có thể gặp các biến chứng như phù phổi cấp, viêm cơ tim, viêm não và có thể dẫn tới tử vong. Song vì nắng nóng, các biểu hiện của bệnh dễ làm phụ huynh nhầm lẫn con bị rôm sảy, bị nhiệt, hăm tã, mọc răng… khiến bệnh trở nặng, trẻ nhập viện muộn, việc điều trị trở nên khó khăn.
6. Ngộ độc thực phẩm
Thời tiết nắng nóng dễ làm thực phẩm ôi thiu, nhiễm các loại virus, vi khuẩn như salmonella, escherichia coli, campylobacter, shigella (lỵ trực trùng), listeria, tả, rotavirus, viêm gan A… Một người ăn phải các thực phẩm này dễ có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm, với triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn ói. Nếu không bù nước kịp thời, người bệnh mất nước, giảm huyết áp, tụt huyết áp, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong. Lượng vi khuẩn lớn có thể xâm nhập máu gây nhiễm trùng máu, đe dọa tính mạng.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa Xuân – Hè, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, thủy đậu, viêm não Nhật Bản, cúm…
2. Giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường: Thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi họng hàng ngày. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng; thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng; thay nước ở các lọ hoa mỗi ngày, thả muối hoặc hóa chất diệt lăng quăng vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh… để loại bỏ nơi sinh sản của muỗi.
3. Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín; ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất; ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm/sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm.
4. Rèn luyện thể lực, nghỉ ngơi hợp lý: tập thể dục đều đặn 30-60 phút mỗi ngày để nâng cao sức khỏe, có thể lựa chọn các bài tập phù hợp với thể trạng như đi bộ, đạp xe, đánh cầu lông,…Bên cạnh đó ngủ đủ giấc, uống đủ nước cũng giúp cơ thể khỏe mạnh, đẩy lùi bệnh tật.
5. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như COVID-19, sởi, cúm,… Hạn chế đến những chỗ đông người.
6. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
————————-
🏥Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh
***Nâng tầm hạnh phúc!***
– Cơ sở 1: Phường Đại Yên, Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
– Cơ sở 2: Số 569, tổ 73, khu 5, đường Lê Thánh Tông, phường Bạch Đằng, Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
☎️ Hotline Chăm sóc khách hàng: : 0912.048.799
⏰Lịch tiêm chủng và danh sách vaccine: https://sannhiquangninh.vn/thong-bao-thoi-gian-lich-dang…/

HỎI ĐÁP VÀ PHẢN ÁNH DỊCH VỤ

Bệnh viện sẽ giải đáp các câu hỏi và trả lời phản ánh sớm nhất đến quý bệnh nhân.