Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh

Sự hài lòng của người bệnh là trách nhiệm của chúng tôi !

GỌI CẤP CỨU: 0203-3696-466

Chúng tôi luôn thấu hiểu bệnh nhân và luôn cố gắng đáp ứng yêu cầu của bệnh nhân.

Dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp

Hiện nay, tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn Quảng Ninh đang có nhiều diễn biến phức tạp. Bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy). Cùng với sự gia tăng của dịch bệnh SXH, một số bệnh khác như cúm mùa, tay chân miệng… cũng gia tăng; đồng thời xuất hiện những dịch bệnh phức tạp như đậu mùa khỉ, whitmore (vi khuẩn ăn thịt người)…

Cán bộ y tế của CDC Quảng Ninh và Trạm Y tế phường Hồng Hải (TP Hạ Long) giám sát, điều tra về muỗi, lăng quăng tại tổ 6, khu 7, phường Hồng Hải.

Cuối tháng 10/2022 tại tổ 6, khu 7B, phường Hồng Hải (TP Hạ Long) ghi nhận một gia đình mắc SXH đầu tiên. Ngay sau đó, cán bộ y tế phường đã rà soát, kiểm tra tại đây và vẫn ghi nhận tình trạng những vật chứa nước không có nắp đậy, lâu ngày không được súc rửa thường xuyên; tù đọng nước ở những vườn trồng rau, trồng cây cảnh… nên xuất hiện lăng quăng, đây chính là nguồn phát sinh muỗi truyền bệnh.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổ trưởng tổ 6, chia sẻ: Thông qua nhóm zalo của tổ dân, tôi đã thông báo về trường hợp mắc SXH đầu tiên trên địa bàn tổ. Được sự hướng dẫn của cán bộ y tế phường, tôi đã vận động nhân dân trong tổ đồng loạt dọn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, muỗi. Hy vọng dịch bệnh được kiểm soát, không lây lan rộng trên địa bàn.

Cũng theo ghi nhận của CDC Quảng Ninh, nhờ công tác tuyên truyền liên tục từ năm 2016 đến nay, nhận thức của người dân về việc phòng, chống dịch SXH đã được nâng lên rõ rệt. Người dân đã có ý thức vệ sinh môi trường, nuôi cá trong bể chứa nước, lật úp dụng cụ chứa nước khi không sử dụng… nhằm ngăn chặn sự sinh sản, phát triển của muỗi, chủ động phòng, chống dịch SXH. Hạn chế tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do dịch bệnh, không để dịch SXH xảy ra trên diện rộng và kéo dài.

Một số nhà dân đã chủ động nuôi cá bảy màu trong bể chứa nước để diệt lăng quăng.

Theo thống kê của CDC Quảng Ninh, từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh ghi nhận 612 ca mắc SXH, trong đó có 519 trường hợp dương tính, số mắc tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2021; chưa ghi nhận ca tử vong. Số ca mắc SXH tập trung chủ yếu tại TP Hạ Long (410 ca), TP Cẩm Phả (65 ca), TX Quảng Yên (36 ca). Số mắc SXH tăng từ đầu tháng 9 tới nay, đặc biệt trong 3 tuần gần đây ghi nhận số mắc trung bình trên 80 ca mắc/tuần. Ghi nhận các chùm ca mắc tại phường Hồng Hải, Bãi Cháy, Hồng Gai (TP Hạ Long), phường Cẩm Đông (TP Cẩm Phả), xã Tiền An (TX Quảng Yên).

Kết quả giám sát véc tơ cho thấy có sự xuất hiện của lăng quăng và muỗi truyền bệnh SXH ở 13/13 địa phương, với nhiều điểm giám sát có chỉ số cao trên ngưỡng gây dịch, đặc biệt là sự xuất hiện của véc tơ truyền bệnh chính là muỗi Aedes Aegypti ở phường Hồng Hải, Bãi Cháy (TP Hạ Long).

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh SXH, biện pháp dự phòng chủ yếu là phòng tránh muỗi đốt; dọn dẹp vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh) tiếp đón hàng trăm lượt bệnh nhi đến khám mỗi ngày liên quan đến bệnh cúm.

Bên cạnh đó, số ca mắc cúm từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận hơn 3.300 ca, tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt từ tháng 9 đến nay, số ca mắc cúm B tăng lên nhanh chóng.

Bác sĩ Đỗ Thị Bích Phương (Khoa Các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi), cho biết: Cũng như cúm A, cúm B lây từ người sang người thông qua các giọt bắn nhỏ (có chứa virus cúm) trong không khí khi người bị nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Thời gian ủ bệnh của cúm B từ 1-4 ngày kể từ khi bị nhiễm virus cúm. Trẻ em và những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu có thể ủ bệnh lâu hơn. Nếu trẻ sốt thời gian dài, ho nhiều, khó thở, co giật, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đồng thời, các bậc phụ huynh nên cho con em mình tiêm vắc-xin phòng cúm. Vắc-xin cúm có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên.

Ngoài SXH và cúm, các dịch như Covid-19, đậu mùa khỉ, whitmore (vi khuẩn ăn thịt người)… cũng diễn biến phức tạp; làm tăng nguy cơ dịch chồng dịch và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, sự phát triển KT-XH. Do đó, công tác phòng, chống dịch bệnh được Quảng Ninh thực hiện trên quan điểm phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tham gia phòng, chống dịch, nhất là công tác tiêm chủng vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm.

Nguyễn Hoa

HỎI ĐÁP VÀ PHẢN ÁNH DỊCH VỤ

Bệnh viện sẽ giải đáp các câu hỏi và trả lời phản ánh sớm nhất đến quý bệnh nhân.