Sự hài lòng của người bệnh là trách nhiệm của chúng tôi !

GỌI CẤP CỨU: 0203-3696-466

Chúng tôi luôn thấu hiểu bệnh nhân và luôn cố gắng đáp ứng yêu cầu của bệnh nhân.

KHUYẾN CÁO PHÒNG BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ

Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt; thường khởi phát đột ngột từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 ngày sau khi người lành tiếp xúc với nguồn bệnh, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.
 
Triệu chứng của bệnh thường xuất hiện bao gồm: Đỏ mắt (xung huyết kết mạc), kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ (có thể rỉ trắng, tiết tố dính nếu bệnh do virus, hoặc có thể rỉ xanh hoặc vàng nếu do bội nhiễm vi khuẩn). Ở trẻ nhỏ, bệnh có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt…
Đặc biệt, ở trẻ em, bệnh có thể xuất hiện giả mạc (là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc gây chảy máu, làm bệnh lâu khỏi hoặc có thể gây tổn thương giác mạc), viêm giác mạc; một số ít trường hợp có thể bội nhiễm gây biến chứng viêm loét giác mạc, làm ảnh hưởng tới thị lực lâu dài của trẻ.
Bệnh đau mắt đỏ thường gây thành dịch. Nguyên nhân của dịch đau mắt đỏ thường do virus gây ra, trong đó có tới 80% là do Adenovirus; bên cạnh đó, có thể gặp do các nguyên nhân khác như: Virus Herpes, thủy đậu, Poxvirus… Trẻ có thể bị lây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt, mũi, miệng khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, dụi tay vào mắt, sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh…
Sau khi bị lây nhiễm, tùy theo tác nhân gây bệnh và tình trạng sức khỏe của trẻ mà thời gian ủ bệnh và biểu hiện sẽ khác nhau. Bên cạnh dấu hiệu đỏ mắt, trẻ còn có triệu chứng như nhức mắt, chảy nước mắt nhiều, đóng ghèn, sợ ánh sáng, đau và rất khó chịu khi mở mắt, cảm giác như có vật lạ trong mắt. Đôi khi trẻ có tình trạng nhìn mờ hay giảm thị lực.
👉Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
🔰1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
🔰2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
🔰3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
🔰4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
🔰5. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

HỎI ĐÁP VÀ PHẢN ÁNH DỊCH VỤ

Bệnh viện sẽ giải đáp các câu hỏi và trả lời phản ánh sớm nhất đến quý bệnh nhân.