Trong 6 năm qua, bà Lý Thị Xuân (xã Đồng Lâm, TP Hạ Long) đều đặn hàng tháng đến Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh để điều trị bệnh mất ngủ. Bà Xuân chia sẻ: Được các bác sĩ thăm khám, điều trị tận tình, chu đáo nên bệnh của tôi ổn định, giấc ngủ tốt hơn. Đặc biệt là nhờ có BHYT mà chi phí khám chữa bệnh rất ít.
Trường hợp bà Đoàn Thị Làn (73 tuổi, TP Cẩm Phả) khi được đưa cấp cứu vào bệnh viện đã ở tình trạng suy tim, nguy cơ đột tử rất cao. Qua thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các bác sĩ xác định phải mổ tim thay van động mạch chủ cho bà Làn. “Trước khi mổ các bác sĩ giải thích rõ về tình trạng bệnh, cũng như được tư vấn về những chế độ BHYT khi mổ ngay ở tỉnh, tôi và gia đình đã đồng ý điều trị mổ tim ngay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau khi được mổ tim, tôi không còn bị ngất đột ngột hay đau tức ngực, khó thở như trước. Sức khỏe của tôi đã ổn định trở lại. Đặc biệt là với việc có thẻ BHYT, tôi và gia đình đã tiết kiệm một khoản chi phí lớn”, bà Làn cho hay.
Thực tiễn thực hiện chính sách BHYT thời gian qua cho thấy, việc tham gia BHYT đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người mắc bệnh mạn tính điều trị dài ngày. Nhiều gia đình đã không bị tái nghèo do không phải chi trả các khoản chi phí “khổng lồ” của việc khám, chữa bệnh cho người thân… Không chỉ là giá trị vật chất, chính sách BHYT còn là điểm tựa tinh thần giúp nhiều người có động lực, niềm tin để chiến thắng bệnh tật, hòa nhập lại với cuộc sống.
Hiện nay, quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia đang ngày càng được nâng cao. Người mua BHYT được khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc. Quỹ BHYT chi trả 80-100% chi phí khám, chữa bệnh đúng tuyến; từ 40-100% chi phí khám, chữa bệnh nội trú không đúng tuyến tại bệnh viện tuyến Trung ương và các tuyến huyện, tuyến cơ sở.
Chất lượng khám, chữa bệnh BHYT ngày càng được cải thiện. Người dân có cơ hội tiếp cận nhiều dịch vụ y tế tiên tiến và các loại thuốc mới. Đặc biệt có nhiều thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị bệnh hiếm và nhiều nhóm bệnh khác đã được quỹ BHYT thanh toán. Ngoài các chi phí về thuốc, người tham gia BHYT còn được chi trả các phí dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế chi phí lớn. Tại Quảng Ninh, hiện nay mức chi trả cho việc sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao trong điều trị khám, chữa bệnh BHYT cao nhất bằng 45 tháng lương cơ sở (tương đương số tiền quỹ BHYT chi trả là 81 triệu đồng) cho một đợt điều trị, như: Mổ tim, thay khớp háng, khớp gối, đốt sống lưng… Từ đầu năm đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh đã có trên 235.000 lượt người tham gia khám, chữa bệnh BHYT, với chi phí do quỹ BHYT thanh toán trên 203 tỷ đồng.
Để tạo thuận lợi trong khám, chữa bệnh BHYT, người dân được sử dụng ứng dụng VssID trên điện thoại hoặc thẻ CCCD gắn chíp thay thế thẻ BHYT giấy khi đi khám, chữa bệnh. Qua đó đã hạn chế tình trạng quên, mất thẻ hay phải đi cấp mới, đổi thẻ BHYT do hết hạn, rách, hỏng, sai lệch thông tin, rút ngắn được thời gian làm thủ tục, xác minh thông tin bệnh nhân. Thông tin khám, chữa bệnh cũng được cập nhật, lưu trữ vào các ứng dụng phần mềm, thuận lợi cho quá trình theo dõi và điều trị bệnh lâu dài.
Hướng đến mục tiêu BHYT toàn dân, ngoài các chính sách của Trung ương, tỉnh cũng ban hành một số chính sách hỗ trợ mua BHYT cho người dân thuộc hộ gia đình cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, một số đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo… Đồng thời, các cấp, các ngành thường xuyên tuyên truyền để người dân thực hiện duy trì và tham gia BHYT. Đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh đã có 95,04% dân số tham gia BHYT.
BHYT không chỉ là “phao cứu sinh” cho người dân, mà còn là chính sách an sinh xã hội, là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng, thì mỗi người dân hãy tích cực tham gia BHYT để bảo vệ chính mình, người thân và gia đình.