Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh

Sự hài lòng của người bệnh là trách nhiệm của chúng tôi !

GỌI CẤP CỨU: 0203-3696-466

Chúng tôi luôn thấu hiểu bệnh nhân và luôn cố gắng đáp ứng yêu cầu của bệnh nhân.

Những điều mẹ bầu cần biết khi mang thai vết mổ đẻ cũ

Mang thai là điều vui mừng với các cặp vợ chồng. Nhưng đối với mẹ bầu có vết mổ đẻ cũ thì việc thăm khám, chăm sóc sức khỏe cần lưu ý rất nhiều để tránh những biến chứng có thể xảy ra trong lần mang thai sau trên vết mổ đẻ cũ (như: Rau cài răng lược, Nứt sẹo mổ cũ, Vỡ tử cung, Chửa vết mổ… và một số nguy cơ cho con) là điều cần hết sức lưu tâm.
Thời điểm an toàn để mang thai trở lại sau sinh mổ là bao lâu?
Thông thường, sau mổ lấy thai lần đầu từ 24 tháng trở đi, thai phụ mới được khuyên có thai trở lại. Tuy nhiên, một số trường hợp sau sinh mổ chưa đủ 24 tháng đã có thai trở lại do không áp dụng các biện pháp tránh thai. Ở trường hợp này, khi mổ lấy thai trở lại đối với những VMC dưới 24 tháng, nhất là dưới 12 tháng, vết mổ chưa thực sự liền tốt, dễ chảy máu, độ bền kém rõ rệt.
Những điều cần lưu ý khi mang thai có VMC là gì?
– Ngay sau khi trễ kinh hoặc nghi ngờ có thai trở lại cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra xem có thai hay không, thai đã vào TC hay chưa và vị trí của túi thai trong tử cung (TC) để đề phòng trường hợp thai bám VMC.
– Khám và quản lý thai định kỳ theo lịch hẹn tại cơ sở y tế chuyên về sản phụ khoa uy tín, đặc biệt là nơi có điều kiện phẫu thuật để phát hiện và xử trí kịp thời những bất thường xảy ra, nếu có.
– Giữ kỹ giấy xuất viện của lần mổ trước, luôn mang theo khi đi khám thai, biết được lý do mổ là gì, thời gian từ lúc mổ đến nay là bao lâu, nằm viện bao nhiêu ngày sau mổ, có nhiễm trùng trong thời gian hậu phẫu không…
– Tiêm nhắc lại một mũi văcxin ngừa uốn ván vào tháng thứ 4 hoặc thứ 5 nếu lần mang thai trước đã tiêm đủ hai mũi.
– Chú ý các dấu hiệu đau VMC: đau ngang trên xương mu, đau liên tục, ấn vào đau nhói lên. Khi có các dấu hiệu này là có nguy cơ nứt VMC, cần phải đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất.
– Thực hiện đầy đủ các xét nghiệm, cận lâm sàng tiền phẫu và theo dõi sát quá trình chuyển dạ.
– Cho con bú tiếp tục nếu sinh mổ trước 24 tháng, ăn uống đủ chất, tăng cường bổ sung dinh dưỡng và vi chất nhằm giúp cho thai phụ có sức khỏe để vừa nuôi thai vừa nuôi em bé.
Sinh mổ hay sinh thường khi có VMC?
– Nếu không có các yếu tố đẻ khó, sản phụ vẫn có thể sinh thường được ở lần mang thai sau khi có VMC. Tuy nhiên tỉ lệ này là tương đối thấp vì nhiều lý do, trong đó có sự lo lắng quá mức của thai phụ. Một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thành công là 72 – 75%.
– Những trường hợp có VMC vì thai to, khung chậu hẹp, dị dạng TC, ngôi thai ngược hay VMC dưới 24 tháng sẽ được chỉ định mổ lấy thai chủ động khi thai đã đủ tháng hoặc bắt đầu chuyển dạ. Nên đi khám thai đầy đủ theo hẹn và tuân theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo cuộc sinh nở được an toàn.

HỎI ĐÁP VÀ PHẢN ÁNH DỊCH VỤ

Bệnh viện sẽ giải đáp các câu hỏi và trả lời phản ánh sớm nhất đến quý bệnh nhân.