Dịp cận Tết Nguyên đán là thời điểm các dịch bệnh dễ bùng phát, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm như cúm mùa. Sự thay đổi thời tiết thất thường, nhiệt độ lạnh, và các hoạt động tụ tập đông người trong dịp Tết làm tăng nguy cơ lây lan bệnh trong cộng đồng.
Cúm mùa là gì?
Cúm mùa do vi rút cúm gây ra, phổ biến là các chủng cúm A(H1N1), A(H3N2), cúm B và cúm C. là một bệnh truyền nhiễm cấp tính phổ biến trong thời điểm giao mùa, đặc biệt vào mùa đông – xuân. Đây là căn bệnh lây lan nhanh qua đường hô hấp, có thể gây ra những triệu chứng như sốt, ho, đau đầu, đau cơ và mệt mỏi. Nếu không được phòng ngừa và điều trị kịp thời, cúm mùa có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt đối với trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có bệnh nền.
Làm thế nào để phòng chống cúm mùa hiệu quả?
Để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng khỏi cúm mùa, Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi: Dùng khăn vải, khăn tay, giấy dùng một lần hoặc che bằng ống tay áo để giảm phát tán vi rút; Vứt khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác có nắp đậy và rửa tay ngay sau đó.
2.Đeo khẩu trang nơi đông người: Đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, đặc biệt trên phương tiện giao thông, chợ và bệnh viện; Hãy chọn loại khẩu trang đạt chuẩn và sử dụng đúng cách.
3. Vệ sinh cá nhân và môi trường sống: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với người bệnh; Giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, tránh để nơi ở ẩm thấp, bí bách.
4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh: Tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng cúm. Nếu cần thiết, hãy giữ khoảng cách an toàn.
5. Tiêm vắc xin phòng cúm: Tiêm vắc xin hàng năm là cách hiệu quả nhất để phòng bệnh, đặc biệt với người lớn tuổi, trẻ em và người mắc bệnh nền.
6. Duy trì lối sống lành mạnh: Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ngủ đủ giấc và tập thể dục đều đặn để nâng cao sức đề kháng; Tránh thói quen xấu như thức khuya, hút thuốc lá, uống rượu bia.
7. Đi khám ngay khi có triệu chứng: Nếu có biểu hiện sốt cao, ho, đau họng, đau cơ, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời; Không tự ý dùng thuốc tại nhà để tránh biến chứng nguy hiểm.
Thời điểm Tết Nguyên đán đang đến gần, bà con hãy dành sự quan tâm đặc biệt tới sức khỏe của bản thân và gia đình. Việc phòng chống cúm mùa không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn giúp mọi người đón Tết trong niềm vui trọn vẹn.
*** Lên kế hoạch chăm sóc sức khỏe trước Tết: Thực hiện các biện pháp phòng bệnh cúm như tiêm vắc xin, giữ vệ sinh cá nhân, và đảm bảo dinh dưỡng hợp lý. Tránh để cơ thể làm việc quá sức, ngủ không đủ giấc, vì điều này có thể làm giảm sức đề kháng.
*** Phòng tránh cúm khi tham gia lễ hội, họp mặt đông người: Luôn đeo khẩu trang khi đi chợ Tết, các buổi họp mặt hoặc lễ hội đầu năm; Hạn chế tiếp xúc gần với những người có dấu hiệu ho, sốt, hoặc mệt mỏi.
*** Bảo vệ sức khỏe trẻ nhỏ và người cao tuổi: Đây là hai nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi cúm mùa. Gia đình cần chú ý chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và giữ ấm cho họ, đặc biệt trong thời tiết lạnh.
Cúm mùa là bệnh có thể phòng ngừa hiệu quả nếu chúng ta thực hiện đúng các biện pháp trên. Việc bảo vệ sức khỏe không chỉ giúp chúng ta an toàn mà còn góp phần kiểm soát dịch bệnh, để mọi gia đình đều đón Tết cổ truyền trong an lành và hạnh phúc.