Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh

Sự hài lòng của người bệnh là trách nhiệm của chúng tôi !

GỌI CẤP CỨU: 0203-3696-466

Chúng tôi luôn thấu hiểu bệnh nhân và luôn cố gắng đáp ứng yêu cầu của bệnh nhân.

SÀNG LỌC TIỀN SẢN GIẬT – NHỮNG ĐIỀU MẸ BẦU CẦN BIẾT

Tiền sản giật– sản giật là một trong những nguyên nhân chính gây nên bệnh suất và tử suất hàng đầu của sản phụ trên toàn cầu từ xưa cho đến nay. Trên thế giới hàng năm có khoảng hơn 10 triệu thai phụ bị tiền sản giật và trên 2,5 triệu trẻ sinh non do tiền sản giật, có khoảng 76000 thai phụ và 500000 trẻ sơ sinh tử vong do bệnh lý tiền sản giật. Tại Việt Nam, tiền sản giật – sản giật  được coi là một trong năm tai biến sản khoa và cần được quản lý và có chiến lược chăm sóc sức khỏe nhằm giảm tỉ lệ tử vong mẹ tại Việt Nam.

Hiện nay có nhiều mô hình sàng lọc tiền sản giật giúp xác định các thai phụ có nguy cơ cao tiền sản giật. Mô hình sàng lọc tiền sản giật theo FMF (yếu tố nguy cơ của thai phụ, PI động mạch tử cung, PAPP-A, PLGF) đã được hiệp hội sản phụ khoa thế giới hướng dẫn thực hành năm 2019 và được bộ y tế hướng dẫn theo quyết định 1911/BYT 2021, nhằm tầm soát sớm tiền sản giật ở quý I từ đó đưa ra liệu trình điều trị dự phòng tiền sản giật nhằm làm giảm các biến chứng cho mẹ và bé.

Một nghiên cứu ASPRE năm 2017 giúp phát hiện được 76,7% các trường hợp tiền sản giật non tháng, 43,1% các trường hợp tiền sản giật đủ tháng. Hiệu quả của chương trình là sau khi sàng lọc có kết quả nguy cơ cao được điều trị bằng Asprin liều thấp 150mg giúp ngăn ngừa được 82% tiền sản giật khởi phát sớm và giảm 62% tiền sản giật chung.

Tại Bệnh Viện Sản Nhi Quảng Ninh, chúng tôi đang tiến hành tầm soát sớm bệnh lý tiền sản từ 11 tuần 3 ngày – 13 tuần 6 ngày (CRL: 45 – 84 mm), để dự báo nguy cơ bị tiền sản giật cho các thai phụ.

Sàng lọc tiền sản giật 3 tháng đầu thực hiện như thế nào?

Hiện tại bệnh viện đang sàng lọc tiền sản giật 3 tháng đầu theo mô hình của FMF (yếu tố nguy cơ của thai phụ, PI động mạch tử cung, PAPP-A, PLGF).

Thông tin của thai phụ:

  • Nhân khẩu học: Tuổi – Chiều cao – Cân nặng – Chủng tộc
  • Tiền sử nội khoa: Tăng huyết áp mạn tính. Tiểu đường typ 1. Tiểu đường typ 2. Lupus ban đỏ hệ thống. Hội chứng kháng phospholipid. Bệnh thận mạn tính. Tiền sử bị tiền sản giật hoặc gia đình có người tiền sản giật. Hút thuốc.
  • Tiến sử sản khoa:
  • Phương pháp thụ thai: Tự nhiên. IVF.

Đo huyết áp động mạch trung bình của thai phụ. 

  • Cách đo như sau:
  • Công thức tính HAĐM trung bình

Huyết áp động mạch trung bình = [HA tâm thu + (HA tâm trương x 2)]/ 3

 

Siêu âm đo chỉ số xung động mạch tử cung 2 bên (PI: Pulsative Index)

  • Doppler động mạch tử cung có vai trò rất quan trọng trong đánh giá thai chậm tăng trưởng trong tử cung và trong sàng lọc tiền sản giật.
  • Theo hướng dẫn của ISUOG, nên dùng chỉ số PI động mạch tử cung trong sàng lọc tiền sản giật vì PI đại diện và ổn định hơn RI, đặc hiệu hơn Notch.
  • Đo PI động mạch tử cung sàng lọc tiền sản giật thực hiện tuổi thai từ 11 tuần 3 ngày – 13 tuần 6 ngày

Dấu ấn sinh hóa:  PlGF (Placental growth factor)

  • PLGF được tổng hợp bởi nhau thai. Chức năng của PLGF thúc đẩy sự phát triển và trưởng thành của hệ thống mạch máu nhau thai. Trong thai kỳ bình thường nồng độ PLGF thấp trong 3 tháng đầu và tăng từ tuần 11 trở đi, đỉnh điểm ở tuần thứ 30 và giảm dần. Thai kỳ bị tiền sản giật nồng đồ PLGF thấp hơn so với thai kỳ bình thường và sự suy giảm này là kết quả của sự thiếu oxy ở rau thai.
  • FIGO khuyến cáo tốt nhất sử dụng PLGF trong mô hình sàng lọc 3 tháng đâu thai kỳ. PAPP-A sử dụng trong trường hợp không có xét nghiệm PLGF.

Tính nguy cơ tiền sản giật?

  • Sử dụng phần mềm FMF (Fetal Foundation Medicine) để tính toán nguy cơ tiền sản giật.
  • Sàng lọc cho kết quả nguy cơ thấp có nghĩa là bạn ít có khả năng bị tiền sản giật và không có nghĩa loại trừ 100% bạn không bị tiền sản giật, vì vậy bạn cần tiếp tục khám và quản lý thai.
  • Sàng lọc cho kết quả nguy cơ cao có nghĩa là khả năng bạn mắc tiền sản giật cao hơn các thai phụ khác. Kết quả này không có nghĩa là bạn chắc chắn bị tiền sản giật. Kết quả nguy cơ cao, bác sĩ sẽ tư vấn cho cho bạn về nguy cơ xuất hiện bệnh và đưa ra liệu trình điều trị dự phòng tiền sản giật và quản lý thai cho bạn.

 

 Điều trị dự phòng tiền sản giật?

  • Thuốc điều trị dự phòng tiền sản giật: Aspirin liều 150 mg/ngày.
  • Thời gian bắt đầu dùng: Aspirin chỉ có hiệu quả dự phòng tiền sản giật khi được sử dung trước 15 tuần của thai kỳ .
  • Thời gian dùng thuốc tốt nhất là buổi tối.
  • Thời gian kết thúc điều trị dự phòng tuần 36.
  • Hiệu quả điều trị dự phòng tiền sản giật cũng phụ thuộc vào việc tuân thủ dùng thuốc của các thai phụ.

Tiền sản giật là biến chứng nặng nề trong thai kỳ, đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ và thai. Việc phát hiện sớm và điều trị dự phòng giúp giảm các biến chứng của tiền sản giật và cải thiện chất lượng cuộc sống. Chúng ta hy vọng tất cả các thai phụ đều được sàng lọc tiền sản giật 3 tháng đầu để có một thai kỳ khoẻ mạnh, mang tới một tương lai tốt đẹp hơn.

 

 

HỎI ĐÁP VÀ PHẢN ÁNH DỊCH VỤ

Bệnh viện sẽ giải đáp các câu hỏi và trả lời phản ánh sớm nhất đến quý bệnh nhân.