Trong tiến trình đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để phục vụ người dân tốt hơn, ngành Y tế Quảng Ninh luôn xác định việc nâng cao y đức của đội ngũ thầy thuốc trước tiên là nâng cao tay nghề, trình độ nghiên cứu, ứng dụng KHCN, làm chủ trang thiết bị hiện đại để có thể nhanh chóng tìm ra nguyên nhân gây bệnh, điều trị hiệu quả, an toàn cho người bệnh. Cùng với đó là việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với người bệnh, vì sức khỏe cộng đồng, để xứng đáng với lời Bác dạy “Lương y như từ mẫu”.
Phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu

Ngành Y tế tỉnh đặt mục tiêu triển khai ca ghép thận đầu tiên vào quý II/2025. Đây là phương pháp cuối cùng và hiệu quả nhất để điều trị cho người bệnh bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Để hiện thực hóa mục tiêu này, bám sát sự định hướng, chỉ đạo của tỉnh và ngành y tế, nhiều kíp y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã được cử đi học tập để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật ghép thận tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện số 2, Đại học Y Quảng Tây (Trung Quốc). Đồng thời, các đơn vị cũng tổ chức những khóa tập huấn, học tập kinh nghiệm thực tế tại các bệnh viện đã triển khai ghép thận thành công trong cả nước.

Hiện các bệnh viện tuyến tỉnh của Quảng Ninh đã triển khai được 50% kỹ thuật tuyến Trung ương. Đây là những kết quả rất đáng ghi nhận của ngành Y tế nhằm giúp người dân yên tâm điều trị ngay tại tỉnh mà không phải chuyển tuyến. Đến nay, tỷ lệ chuyển tuyến của Quảng Ninh chỉ còn 3,57%, thấp nhất trong các địa phương thuộc vùng Đồng bằng Sông Hồng.
Hết lòng vì sức khỏe nhân dân
Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, ngành Y tế tỉnh luôn quan tâm nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực từ tuyến tỉnh đến tuyến xã. Tính đến hết năm 2024, toàn ngành có 8.549 người, trong đó chuyên môn y, dược có 6.642 người (77,7%); nhân lực khác 1.907 người (22,3%). Với nhân lực hiện có, ngành đã đạt 17,7 bác sĩ/vạn dân, 25 điều dưỡng/vạn dân, 7 dược sĩ/vạn dân. Nguồn nhân lực y tế của tỉnh thường xuyên được bổ sung, thu hút và đào tạo. Từ năm 2020 đến nay, ngành đã cử đi đào tạo 4 tiến sĩ, 130 bác sĩ CK II, 653 bác sĩ CKI, 347 thạc sĩ, 347 đại học, 963 cao đẳng, bồi dưỡng chuyên môn cho 16.474 lượt người và đào tạo ngoại ngữ 210 người, tin học 211 người.
Hiện tỷ lệ hài lòng chung của người dân với dịch vụ y tế trong tỉnh đạt 92,3% và chỉ số hài lòng toàn diện đạt 89,5%, cao hơn so với chỉ tiêu chung mà Bộ Y tế quy định là từ 80% trở lên. “Từ giữa năm 2024, tôi được chẩn đoán ung thư vòng họng di căn. Tôi đã lên tuyến Trung ương điều trị, song sau khi tìm hiểu thêm tôi đã lựa chọn quay về điều trị tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí. Sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y, bác sĩ, cùng với trang thiết bị chẩn đoán, điều trị hiện đại, đã giúp tôi có niềm tin và yên tâm điều trị căn bệnh hiểm nghèo, đòi hỏi quá trình điều trị lâu dài, thay vì những vất vả cho bản thân và gia đình khi phải điều trị xa nhà, tốn kém chi phí” – ông Đàm Quang Lý (TX Quảng Yên) chia sẻ.
Cùng với hoạt động chuyên môn, đội ngũ thầy thuốc của tỉnh luôn hăng hái tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Nhiều bệnh viện phối hợp duy trì mô hình “Nồi cháo nhân đạo”, “Tủ quần áo từ thiện”; kêu gọi tặng quà, chi phí điều trị cho bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; nhận đỡ đầu, trợ giúp trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng; đăng ký hiến tặng mô, tạng… Trong phong trào hiến máu nhân đạo, đội ngũ thầy thuốc của tỉnh luôn là lực lượng nòng cốt, đi đầu. Hơn ai hết, họ là những người hiểu được tầm quan trọng của những giọt máu quý giá giúp người bệnh vượt qua cơn nguy kịch.
Từ năm 2016 đến nay, các bệnh viện: Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản Nhi, Đa khoa khu vực Cẩm Phả duy trì hoạt động khám bệnh lưu động và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong tỉnh. Riêng năm 2024, các đơn vị đã khám bệnh cho 19.600 lượt người, 8.085 người được tư vấn cấp thuốc miễn phí.
“Lấy chuyên môn làm tình nguyện” chính là cách mà các y, bác sĩ đưa y tế về với cộng đồng, giúp người dân chủ động đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh, nâng cao hiểu biết về các dịch bệnh, cách ăn uống khoa học, sinh hoạt điều độ. Từ đó, người dân tự phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình. Đồng thời, các y, bác sĩ có môi trường rèn luyện, nâng cao tay nghề, lan tỏa hành động đẹp vì cộng đồng của đội ngũ thầy thuốc Quảng Ninh.
Nguyễn Hoa – Báo Quảng Ninh