Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh

Sự hài lòng của người bệnh là trách nhiệm của chúng tôi !

GỌI CẤP CỨU: 0203-3696-466

Chúng tôi luôn thấu hiểu bệnh nhân và luôn cố gắng đáp ứng yêu cầu của bệnh nhân.

Những dấu hiệu NÔN cần chú ý ở trẻ

BSCKI. Phí Xuân Thi, Bác sĩ chuyên khoa Nhi bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh chia sẻ một số thông tin hữu ích giúp các bậc cha mẹ theo dõi và chăm sóc trẻ tốt hơn khi gặp những trường hợp dưới đây:
Nôn là triệu chứng thường gặp ở trẻ. Bệnh thường nhẹ, diễn ra trong thời gian ngắn và tự giới hạn. Tuy nhiên, vẫn có một vài nguyên nhân rất nguy hiểm của trẻ nhỏ, cần được chẩn đoán và xử lý ngay như lồng ruột, tắc ruột, viêm ruột thừa, viêm não-màng não,…
Đối với trẻ chuẩn bị tới trường lại sau mùa dịch, các vấn đề liên quan tới đường tiêu hóa như nôn ói, đau bụng, tiêu chảy,… cần được chú ý hơn.
? Dưới đây là một nhóm triệu chứng mà cha mẹ nên cho trẻ đi khám ngay nếu trẻ nôn kèm theo các triệu chứng sau:
– Nôn ra dịch xanh – vàng hoặc kèm theo máu trong dịch nôn.
– Nôn vọt trong giai đoạn trẻ sơ sinh hoặc nôn tiếp tục tiếp diễn hơn 24 giờ ở trẻ nhũ nhi và trẻ lớn.
– Trẻ không ăn, không uống kéo dài trong một vài giờ
– Có các dấu hiệu mất nước trung bình như: Môi khô, khóc không có nước mắt, không có nước tiểu hoặc bỉm khô trong khoảng 4 đến 6 giờ với trẻ sơ sinh- nhũ nhi, hoặc không có đi tiểu trong khoảng 6 đến 8 tiếng đối với trẻ lớn.
– Đau bụng dữ dội (đau liên tục hoặc đau bụng cơn).
– Đi cầu phân có máu, đi cầu phân tóe nước,…
– Bụng căng chướng.
– Sốt cao trên 39 độ hoặc sốt cao trên 38.4 độ kéo dài hơn 3 ngày.
– Thay đổi hành vi như ngủ gà, lơ mơ, giảm ý thức, co giật,…
– Cứng gáy- cổ, sợ ánh sáng, thóp căng phồng,…
Những trường hợp nôn nhiều có thể gây ra tình trạng mất nước, điện giải, ảnh hưởng tới các chức năng sống của trẻ.
? Để phân loại mức độ mất nước mà các bậc phụ huynh chăm trẻ ở nhà cần chú ý:
– Mất nước mức độ nhẹ:
+ Miệng hơi khô
+ Trẻ khát, háo uống nước- sữa
Nhóm mất nước nhẹ, trẻ không cần phải có sự chăm sóc y tế ngay lập tức nhưng cần được theo sát các dấu hiệu trẻ nặng hơn
– Mất nước vừa và nặng:
+ Nước tiểu giảm ( không đi tiểu hoặc tã khô trong 6 giờ)
+ Khóc không có nước mắt
+ Khô miệng
+ Mắt trũng
+ Chân- tay lạnh, ẩm
+ Nhìn trẻ thờ ơ. chậm chạp hơn, hoặc kích thích, quấy khóc nhiều.
Đối với trẻ có các dấu hiệu mất nước vừa và nặng thì cần phải được chăm sóc y tế ngay lập tức. Hãy cho trẻ tới bệnh viện ngay, hoặc hỏi ý kiến của bác sĩ nếu có thể.

HỎI ĐÁP VÀ PHẢN ÁNH DỊCH VỤ

Bệnh viện sẽ giải đáp các câu hỏi và trả lời phản ánh sớm nhất đến quý bệnh nhân.